BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN: SHB

1. Tình hình hoạt động kinh doanh

1.1. Kết quả hoạt động kinh doanh

Năm 2023, SHB tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam với việc hoàn thành và đạt các mục tiêu, bước ngoặt quan trọng

Tổng tài sản của ngân hàng đã tăng trưởng tốt trong bối cảnh chịu tác động những khó khăn của nền kinh tế. Vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 70.268 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu đạt 50.098 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2022. Nguồn vốn huy động dồi dào, dài hạn là điều kiện quan trọng để SHB giải ngân cho vay nhiều lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế theo định hướng của Chính phủ và NHNN.

Mạng lưới và nhân sự tiếp tục được đầu tư, mở rộng với việc khai trương thêm nhiều chi nhánh mới trong và ngoài nước, nâng tổng sổ điểm giao dịch lên 571 điểm trong và ngoài nước (trong đó, 1 ngân hàng con 100% vốn, 2 chi nhánh tại Lào; 1 ngân hàng con 100% vốn, 4 chi nhánh tại Campuchia); Văn phòng đại diện tại Myanmar và 1 công ty con (Công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản – SHAMC); 1 công ty liên kết (Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội - SHBFinance). Với hơn 6.246 cán bộ nhân viên và mạng lưới trải rộng tại 50 tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài, SHB đang phục vụ trên 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới 500 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.

SHB đã từng bước dịch chuyển cơ cấu thu nhập theo hướng đa dạng hóa thu nhập, giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.Bên cạnh tăng trưởng quy mô, thu nhập, SHB kiểm soát chặt chẽ chi phí nhằm tăng hiệu quả hoạt động.

Tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II đạt 12,20% (quy định của NHNN là ≥8%). Tỷ lệ dự nợ/tiền gửi đạt 77,58% (QĐ của NHNN ≤ 85%); Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 26,07% (QĐ của NHNN ≤ 34%).

Từ đầu năm 2023, SHB đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản. Đồng thời, SHB đang triển khai áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao IRB sẽ giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tài chính. Đây là cơ sở để ngân hàng tiếp tục phát triển chiến lược kinh doanh bền vững, toàn diện, là hành lang cho việc quản trị rủi ro và sử dụng vốn một cách hiệu quả.

Năm qua, SHB cũng được Moody’s xếp hạng tín nhiệm ở mức B1, triển vọng tích cực.

Với kết quả đạt được, SHB hiện nằm trong nhóm 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có quy mô lớn nhất Việt Nam.

1.2. Tình hình thực hiện so với kế hoạch

2023

Tổng tài sản đạt

630.501 tỷ đồng

Tăng 16 %

Hoàn thành

104% kế hoạch

Vốn điều lệ

36.194 tỷ đồng

  • Huy động vốn từ TCKT và cá nhân đạt 497.417 tỷ đồng, tăng 22,2%, hoàn thành 109% kế hoạch.
  • Dư nợ cấp tín dụng TCKT và dân cư đạt 455.718 tỷ đồng, tăng 16,9%, đảm bảo hạn mức cấp tín dụng được quy định bởi NHNN.
  • Lợi nhuận trước thuế đạt 9.239 tỷ đồng, thấp hơn số kế hoạch là 10%.
  • Các chỉ số an toàn vốn, quản lý rủi ro của SHB đều đạt ở mức tốt hơn so với kế hoạch và quy định của Ngân hàng Nhà nước, thông lệ chuẩn mực quốc tế.
  • Trong năm 2023, SHB đã hoàn thành kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%.

(Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023)

2. Tổ chức và nhân sự

STT Họ và tên Chức năng/Nhiệm vụ chính Tỷ lệ sở hữu cổ phần
1 Bà Ngô Thu Hà Tổng Giám đốc 0,0728%
2 Ông Nguyễn Huy Tài Phó Tổng giám đốc Không sở hữu
3 Ông Lê Đăng Khoa Phó Tổng Giám đốc Không sở hữu
4 Bà Ninh Thị Lan Phương Phó Tổng Giám đốc 0,0036%
5 Bà Hoàng Thị Mai Thảo Phó Tổng giám đốc Không sở hữu
6 Ông Đỗ Đức Hải Phó Tổng Giám đốc 0,00001%
7 Ông Đỗ Quang Vinh Phó Tổng Giám đốc 0,0260%
8 Ông Lưu Danh Đức Phó Tổng Giám đốc Không sở hữu
9 Bà Ngô Thị Vân Kế toán trưởng 0,00002%

Lý lịch tóm tắt thành viên Ban Tổng Giám đốc, tham khảo trang 20-22

STT Họ và tên Chức năng/Nhiệm vụ Thay đổi
1 Ngô Thu Hà Tổng Giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng Quản trị Được bầu vào HĐQT SHB
2 Đỗ Quang Vinh Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Tiếp tục được bầu vào HĐQT SHB
3 Đỗ Đức Hải Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Được bầu vào HĐQT SHB
4 Trần Xuân Huy Phó Tổng Giám đốc phụ trách khu vực miền Nam Thôi không giữ chức vụ
STT Họ và tên Chức vụ
1 Nguyễn Đình Dương Giám đốc Khối Kiểm toán nội bộ
2 Đặng Công Hoàn Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ
3 Đinh Ngọc Dũng Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng doanh nghiệp
4 Lưu Tiến Cương Giám đốc Khối Quản trị rủi ro
5 Nguyễn Thanh Loan Phó Giám đốc phụ trách Khối Quản trị và Phát triển Nguồn nhân lực
6 Vũ Tuấn Anh Giám đốc Khối Quản lý tín dụng
7 Cao Minh Tuân Giám đốc Khối Quản lý và Xử lý nợ có vấn đề
8 Ông Đồng Xuân Hoà Phó Giám đốc phụ trách Khối Marketing & Phát triển thương hiệu

Lý lịch tóm tắt Giám đốc các khối nghiệp vụ khác và Kế toán trưởng, tham khảo trang 22-23

Tổng số cán bộ nhân viên của Ngân hàng và các Công ty con của SHB đến 31/12/2023 là 6.246 người, với 80% có trình độ Đại học và trên đại học.

6.246 tỷ đồng

80 %có trình độ đại học và trên đại học

Với mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có phẩm chất, kinh nghiệm và trình độ đáp ứng được những yêu cầu của một ngân hàng hiện đại, tâm huyết với sự phát triển của ngân hàng, SHB tiếp tục nhiều chính sách nhằm thu hút, tạo động lực phát triển và sự gắn bó lâu dài của người lao động với ngân hàng.

Công khai, minh bạch với các tiêu chí đánh giá trình độ, kỹ năng, đạo đức của các ứng viên dựa trên các chuẩn mực về nghề nghiệp để làm căn cứ trong quá trình tuyển dụng.

Việc tuyển chọn nhân sự với tiêu chuẩn cao về trình độ, sức khỏe, đạo đức luôn được SHB chú trọng với việc duy trì website tuyển dụng trực tuyến, bản tin tuyển dụng nội bộ, thông tin tuyển dụng được phổ biến qua các trang mạng xã hội, đảm bảo tính chuyên nghiệp, minh bạch, công bằng, nâng cao hình ảnh, uy tín của thương hiệu SHB trên thị trường lao động.

Công tác đào tạo năm 2023 có nhiều chuyển biến với chương trình đào tạo được thiết kế, triển khai theo chuẩn chức danh đối với các chức danh chính trong ngân hàng, trọng tâm là các khóa đào tạo về Nâng cao năng lực quản lý - lãnh đạo SHB Talent Lead, Kỹ năng quản lý nền tảng, Kỹ năng bán hàng & quản lý bán hàng, Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, Kỹ năng Thẩm định, Kỹ năng mềm... Bên cạnh hàng trăm khóa đào tạo bên ngoài và nội bộ trực tiếp đào tạo, SHB phát triển đào tạo thông qua các ứng dụng công nghệ cao như: Hệ thống quản lý học - thi trực tuyến (SHB – LMS); Hệ thống khảo sát - đánh giá chất lượng sau khóa học trực tuyến (SHB – Survey); Diễn đàn trao đổi học tập; Đào tạo qua cầu truyền hình, qua phần mềm MSTeams, Zoom... nhằm tiết giảm tối đa các chi phí liên quan tới đào tạo cũng như nâng cao năng suất lao động của CBNV.

SHB luôn coi nhân lực là tài sản quý giá nhất, lấy con người là trung tâm cho động lực phát triển của SHB với chính sách đào tạo, phát triển phù hợp theo chiến lược kinh doanh của Ngân hàng, được xây dựng theo từng nhóm đối tượng.

Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ, chế độ phúc lợi của SHB mang tính cạnh tranh với mục tiêu mang lại nguồn thu nhập ổn định để người lao động yên tâm gắn bó với Ngân hàng

Chi tiết các chính sách và thay đổi chính sách đối với người lao động, Quý vị vui lòng xem mục Phát triển bền vững – Chính sách liên quan đến người lao động, trang 121.

3. Tình hình đầu tư, thực hiện các dự án

3.1. Tình hình thực hiện các dự án lớn

Ngày 23/5/2023, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHBFinance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan (thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG, Nhật Bản). Hai Bên sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký. SHBFinance chính thức chuyển đổi từ Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội thành Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và câu chuyện về Chuyển đổi số - đây không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược cho tất cả các lĩnh vực, đặc biệt đối với ngành Ngân hàng. Thế giới đã chứng kiến sự mở rộng và phát triển nhanh chóng của xu hướng ngân hàng số trong vài năm qua và khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, nhu cầu và sự cần thiết các giải pháp công nghệ số đối với ngân hàng đã được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết.

Trong năm 2023, SHB đã tập trung nguồn lực để cho ra mắt nền tảng mới – SHB SAHA – một nền tảng hợp kênh nhằm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng được liền mạch, xuyên suốt trên tất cả các kênh tương tác từ Mobile App, Internet Banking và giao dịch tại quầy của toàn bộ các Chi nhánh và phòng giao dịch của SHB. Đây là nền tảng có đầy đủ tiện ích, giao dịch ổn định, an toàn, tích hợp và điều hướng thông minh tương tác của khách hàng.

Với khách hàng doanh nghiệp: triển khai thử nghiệm các tính năng thanh toán trên nền tảng số giúp nâng tỷ lệ giao dịch từ 26% lên 46% cùng kỳ năm trước. Số lượng KHDN sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử đã tăng đáng kể từ gần 2800 khách hàng lên hơn 15 nghìn khách hàng nhờ các trải nghiệm mới, giảm thời gian giao dịch và thuận tiện trong quản lý dòng tiền như Thấu chi phê duyệt trước online, Dịch vụ thu hộ qua tài khoản định danh Slink.

Sự thuận tiện của những tính năng mới được phát triển đã giúp các đơn vị kinh doanh giải phóng thời gian tương đương hơn 293 nhân sự cho hệ thống, giảm thời gian vận hành.

Với việc triển khai dự án Omni Platform với Khách hàng cá nhân, chỉ trong 16 tháng (kể từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2023), hàng loạt các tính năng, tiện ích được xây dựng trên cả 03 Kênh của SHB SAHA (Ứng dụng di động, Ngân hàng trực tuyến và Chi nhánh). Song song với đó, việc dịch chuyển khách hàng sang nền tảng mới đã được triển khai, không ngừng kiểm tra, nâng cấp tính năng, hiệu năng đảm bảo sự ổn định, mượt mà, hướng tới việc dịch chuyển toàn bộ khách hàng sang hệ thống mới trong năm 2024.

Nối tiếp các hoạt động Chuyển đổi số đã được triển khai, trong năm 2024, SHB sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa các quy trình, sản phẩm đưa lên kênh Ngân hàng điện tử không chỉ dừng lại với KHCN mà còn mở rộng sang KHDN. Trong đó, đối với KHCN, SHB cam kết sẽ mang lại giá trị cho khách hàng đến từ việc “An tâm trong mọi giao dịch” với nền tảng Omni Channel được xây dựng đầy đủ các tiện ích và ưu tiên hàng đầu cho các tính năng an toàn bảo mật. Đối với mảng KHDN, năm 2024 sẽ là năm tăng trưởng cả về số lượng Khách hàng sử dụng, số lượng giao dịch, quy mô giao dịch nhằm nâng cao trải nghiệm của KHDN trên nền tảng số, đánh giá và xem xét nâng cấp hệ thống Ngân hàng điện tử cho KHDN để chuẩn bị cho sự tăng trưởng vượt trội hơn nữa trong tương lai.

SHB cam kết sẽ mang lại giá trị cho khách hàng với định vị “An tâm trong mọi giao dịch” với nền tảng Omni Channel được xây dựng đầy đủ các tiện ích và ưu tiên hàng đầu cho các tính năng an toàn bảo mật.

Nhằm đáp ứng mục tiêu định hướng chiến lược chuyển đổi số, kế hoạch kinh doanh, vị thế cạnh tranh của SHB và nâng cao trải nghiệm khách hàng, trong 2023 ngân hàng SHB đã triển khai các dự án trọng điểm và số hóa các hành trình khách hàng.

Phối hợp với đối tác Intellect thực hiện nâng cấp hệ thống Corebanking. Dự án dự kiến hoàn thành trong quý 1/2025 với các mục tiêu:

  • Chuẩn hóa dữ liệu, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ và nâng cấp các chức năng theo yêu cầu kinh doanh và tuân thủ
  • Thiết lập kiến trúc hiện đại, vận hành ổn định, mở với các giao diện lập trình ứng dụng (API) mạnh mẽ, đáp ứng sự tăng trưởng về khách hàng, sản phẩm, và khối lượng giao dịch.
  • Tự động hóa, tham số hóa các quy trình vận hành qua đó tiết kiệm nhân lực, giảm thiểu lỗi do con người, nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro.

Năm 2023, SHB triển khai hệ thống khởi tạo khoản vay dành cho Khách hàng cá nhân (RLOS). Đây là một trong các dự án trọng điểm của SHB sẽ góp phần cải tiến, thay đổi phương thức cấp tín dụng của SHB nhằm hướng đến khách hàng bằng việc cung cấp các sản phẩm tín dụng tinh gọn, tối ưu; áp dụng giải pháp chuyên nghiệp hỗ trợ tính toán đánh giá ra quyết định nhanh chóng và chính xác nhất; là một trong các dự án đánh dấu hoạt động chuyển đổi mạnh mẽ của SHB. Ban Lãnh đạo Ngân hàng kỳ vọng, triển khai thành công Dự án sẽ nâng cao trải nghiệm của khách hàng và cán bộ ngân hàng; cải tiến chất lượng hoạt động tín dụng, tăng khả năng kiểm soát và phát hiện các rủi ro, gian lận trong quá trình cấp tín dụng KHCN; rút ngắn thời gian cấp tín dụng KHCN tối thiểu 20% so với hiện tại.

Dự án được triển khai với mục tiêu cải thiện chất lượng nghiệp vụ vận hành, nâng cao trải nghiệm của khách hàng thẻ, tăng chất lượng dịch vụ, cải thiện chất lượng báo cáo nghiệp vụ. Trong đó một số mục tiêu chính gồm:

  • Nâng cấp dịch vụ chấp nhận thẻ
  • Đáp ứng các yêu cầu cải tiến, phát triển SPDV mới
  • Cải thiện nghiệp vụ vận hành thẻ tín dụng
  • Đáp ứng các yêu cầu cải tiến, quản trị vận hành kỹ thuật

SHB cam kết mang lại trải nghiệm an toàn, thuận tiện cho khách hàng trên suốt hành trình sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.

Nhằm hướng tới nâng cấp và đồng bộ hóa trải nghiệm khách hàng trên các kênh số, dự án xây dựng website mới của ngân hàng SHB được khởi động với mục tiêu trở thành website thấu hiểu và tận tâm đưa ra giải pháp tài chính phù hợp nhất với nhu cầu thực tế của khách hàng. Đồng thời, mỗi trải nghiệm trên website đều sẽ được cá nhân hóa, tạo cảm hứng tương tác, yêu thích thương hiệu của người dùng và hỗ trợ phát triển kinh doanh. Dự án sử dụng nền tảng quản trị website tối ưu nhất của đối tác công nghệ quốc tế và những tính năng vượt trội hướng tới trải nghiệm mượt mà, thông minh dành cho người dùng.

Nhằm mục đích tăng trải nghiệm và chất lượng dịch vụ nhân sự đối với CBNV, đáp ứng sự linh hoạt về mô hình quản lý nhân sự, các yêu cầu về quản trị/kiểm soát dữ liệu nhân sự tập trung, tự động hóa hoàn toàn trên phần mềm; Chuẩn hóa/hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ; Đảm bảo dễ dàng liên kết và đồng bộ dữ liệu các phần mềm nhân sự (Website tuyển dụng, Phần mềm đào tạo trực tuyến…) và các phần mềm khác của các đơn vị trong hệ thống (các phần mềm quản lý kinh doanh, kế toán, kiểm soát công nghệ thông tin…).

Hệ thống điều chuyển vốn cho phép SHB xác định các chênh lệch thu được trên các tài sản và khoản nợ, và chênh lệch thu được từ lãi suất cho từng khách hàng.

  • Phương pháp định giá điều chuyển vốn nội bộ FTP hiện đại sẽ giúp ngân hàng
    • (1) Cải thiện thời gian cung cấp thông tin (thông tin được cung cấp nhanh chóng nhằm hỗ trợ các quyết định mang tính chiến lược và các yêu cầu về báo cáo quản trị);
    • (2) Tăng tính minh bạch;
    • (3) Tăng tính chính xác
    • (4) Phân tích đa chiều diễn ra mạnh mẽ
  • Phương pháp định giá điều chuyển vốn nội bộ (FTP) hiện đại, tiên tiến đóng vai trò quyết định đảm bảo mức giá mua giúp SHB huy động đủ vốn và đảm bảo mức giá bán đã bao gồm hết các chi phí đầu vào, các rủi ro nguồn vốn SHB gặp phải và phù hợp với thị trường, duy trì sức cạnh tranh, phát triển tài sản có theo chiến lược kinh doanh của SHB.
  • Triển khai hệ thống FTP nhằm hỗ trợ Ban lãnh đạo ra quyết định đúng đắn và kịp thời, góp phần đem lại thêm lợi ích cho cổ đông.

Ngoài ra, trong năm 2023 SHB cũng đã và đang triển khai các dự án chuẩn bị về nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin lõi của ngân hàng như dự án nâng cấp trục tích hợp ESB, dự án chuyển đổi nền tảng hạ tầng và tập trung hóa toàn bộ hệ thống CSDL lên hệ thống Oracle ExaData X9, dự án xây dựng hoàn thiện thông tin dữ liệu và thông tin dữ liệu dự phòng cho toàn bộ trang thiết bị máy chủ, lưu trữ CSDL, network nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai các giải pháp theo chiến lược CNTT của ngân hàng ...

3.2. Các công ty con, công ty liên kết

Công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản SHB (SHAMC)

TỔNG TÀI SẢN

62

tỷ đồng

Công ty TNHH Một thành viên Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHAMC) được cấp phép thành lập theo quyết định số 508/2009/QĐ-NHNN, ngày 11/03/2009 và chính thức hoạt động vào ngày 5/12/2009. Sau 14 năm đi vào hoạt động, Công ty ngày càng đóng vai trò quan trọng nhằm hỗ trợ SHB trong các hoạt động xử lý nợ, thực hiện công tác quản lý tài sản của Ngân hàng và của khách hàng an toàn, hiệu quả. SHAMC tiếp tục tập trung vào các hoạt động chính là mua bán, quản lý và khai thác tài sản xử lý nợ và hoạt động dịch vụ bảo vệ để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh của SHB. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu về xử lý nợ và quản lý tài sản của SHB, SHAMC còn cung ứng các hoạt động kinh doanh dịch vụ đối với các TCTD khác trong lĩnh vực xử lý tài sản và nợ tồn đọng theo quy định của pháp luật.

Tổng tài sản của Công ty trong 14 năm qua đã tăng mạnh từ 28 tỷ (31/12/2009) lên 62 tỷ (31/12/2023), cho thấy sự mở rộng về quy mô của Công ty.

Trong năm 2023, Công ty đã đạt được một số kết quả như sau: Đáp ứng được 100% nhu cầu công tác bảo vệ tại địa điểm kinh doanh của SHB trên toàn quốc, nâng tổng số địa điểm kinh doanh đã triển khai công tác bảo vệ đến 31/12/2023 đến 290 mục tiêu đã được AMC tiếp quản và tổ chức triển khai lực lượng bảo vệ (64 trụ sở Chi nhánh và 226 Phòng giao dịch triển toàn quốc). 100% mục tiêu đảm bảo an ninh an toàn. SHB AMC đang quản lý 15 kho hàng và 5 tài sản xử lý nợ trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng 100% nhu cầu triển khai kho do các đơn vị SHB đề nghị. Con số này sẽ còn được mở rộng nữa trong các năm tiếp theo để phục vụ cho công tác bảo vệ, kho bãi của công ty mẹ - SHB.

Tính đến 31/12/2023, tổng số CBNV của Công ty là 357 người; Tổng thu nhập thuần năm 2023 đạt 104,8 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 12,4 tỷ đồng.

Ngân hàng TNHH MTV Sài Gòn - Hà Nội (SHB Lào)

TỔNG TÀI SẢN

3.573

tỷ đồng

Ngân hàng TNHH MTV 100% vốn tại Lào được thành lập với vốn điều lệ 50 triệu USD, trên cơ sở chuyển đổi mô hình từ SHB Chi nhánh Lào. Từ năm 2012-2015, SHB Lào hoạt động dưới mô hình là SHB Chi nhánh tại Lào. Ngày 18/12/2015 theo giấy phép số 41 của NHNN Lào, SHB Chi nhánh Lào được cấp phép là ngân hàng TNHH MTV tại Lào và là ngân hàng “con” của SHB. Ngày 15/01/2016 chính thức khai trương trụ sở chính tại thủ đô Vientiane, đánh dấu bước phát triển mới về quy mô hoạt động của SHB Lào. SHB Lào hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập và có cơ cấu bộ máy tổ chức riêng, có hai chi nhánh, một đặt tại tỉnh Champasak và một đặt tại tỉnh Savannakhet. SHB Lào cung cấp các dịch vụ, sản phẩm tài chính ngân hàng, góp phần đa dạng hóa danh mục kinh doanh, hạn chế rủi ro, chủ động nâng cao khả năng phán quyết và thực hiện nhiều hơn nữa các nghiệp vụ kinh doanh theo quy định cũng như theo sự ủy quyền từ ngân hàng mẹ tại Việt Nam. SHB Lào ra đời mang tới cho SHB nhiều cơ hội trong việc khai thác, tận dụng hết tiềm năng rộng lớn và đầy hứa hẹn của thị trường Lào, thu hút đầu tư, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của SHB trên thị trường tài chính Việt Nam và quốc tế song hành với sứ mệnh phát triển tầm nhìn, thương hiệu SHB với quốc tế, góp phần thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam và Lào.

Sau 12 năm đi vào hoạt động, và 6 năm chuyển đổi mô hình từ SHB Chi nhánh Lào thành Ngân hàng TNHH tại Lào (2016), SHB Lào đã có những chuyển biến tích cực và khả quan trong quá trình đầu tư, phát triển hoạt động kinh doanh của mình tại địa bàn Lào.

Đến 31/12/2023, SHB Lào có 2 điểm giao dịch gồm 1 trụ sở và 2 chi nhánh, 76 cán bộ nhân viên. Tổng tài sản đạt 3.573 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đạt 2.040 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 54 tỷ đồng.

Ngân hàng TNHH Sài Gòn - Hà Nội Campuchia (SHB Campuchia)

TỔNG TÀI SẢN

13.122

tỷ đồng

Với vốn điều lệ 75 triệu USD, SHB Campuchia là ngân hàng con 100% vốn thứ 2 của SHB tại thị trường Đông Dương sau SHB Lào. SHB Campuchia hoạt động độc lập, có cơ cấu bộ máy tổ chức riêng trên nền tảng mô hình chuyển đổi từ SHB chi nhánh Campuchia.

Sau 12 năm hoạt động, SHB Campuchia đã tạo được nền tảng cơ sở khách hàng đa dạng bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia và doanh nghiệp của nước sở tại, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực kinh tế then chốt như cao su, ngành điện, cầu đường, khai thác khoáng sản. Trong thời gian tới, SHB Campuchia sẽ đẩy mạnh phát triển một cách toàn diện để khai thác hết tiềm năng và cung cấp được đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. Bước sang năm 2023, mặc dù đối mặt với khó khăn chung của của nền kinh tế, chính trị toàn cầu, nhưng SHB Campuchia đã đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ về tổng dư nợ, huy động vốn và lợi nhuận trước thuế so với năm 2022.

Tính đến hết 31/12/2023, SHB Campuchia có 5 điểm giao dịch gồm 1 trụ sở và 4 chi nhánh, 60 cán bộ nhân viên. Tổng tài sản đạt 13.122 tỷ đồng; huy động vốn đạt 2.464 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đạt 11.723 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 284 tỷ đồng.

Công ty tài chính TNHH SHB (SHBFinance)

TỔNG TÀI SẢN

8.320

tỷ đồng

Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHBFinance) được thành lập ngày 12/12/2016, trên cơ sở Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) sáp nhập vào SHB. SHBFinance có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, trong đó SHB sở hữu 50% và Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan sở hữu 50% vốn điều lệ.

Năm 2023, SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại SHBFinance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan (thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG, Nhật Bản) đã tạo thêm động lực mới và toàn diện cho SHBFinance trong việc đẩy nhanh thực hiện các kế hoạch trung và dài hạn theo các chuẩn mực quốc tế, cũng như trong chiến lược phát triển một công ty tài chính có thế mạnh hàng đầu Việt Nam về công nghệ và số hóa.

SHBFinance hướng tới tầm nhìn “Trở thành Công ty Tài chính thông minh và tin cậy với người dân Việt Nam” .

Để trở thành điểm chạm phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng trên không gian số, các ứng dụng, website cũng như các kênh mạng xã hội của SHBFinance không ngừng được cải tiến từ giao diện, tính năng cho đến tốc độ phục vụ, giúp khách hàng có trải nghiệm thuận tiện hơn. Khách hàng có thể được giải ngân trong vòng 15 phút khi đăng ký vay qua ứng dụng SHBFinance. Bên cạnh đó, SHBFinance cũng là một trong những công ty tài chính đầu tiên ứng dụng AI Chatbot vào việc phục vụ khách hàng. Việc đa dạng hóa các hình thức thanh toán từ truyền thống đến các kênh trực tuyến bao gồm cửa hàng Viettel, VNPost, v.v. đến ví điện tử (MoMo, Payoo, ZaloPay), ứng dụng di động SHBFinance giúp khách hàng có trải nghiệm thanh toán dễ dàng, đơn giản hơn. Tất cả những nỗ lực này đã giúp SHBFinance tăng đáng kể tỷ lệ trả nợ, bất chấp xu hướng giảm tỷ lệ khoản vay của toàn ngành.

Trong năm 2023, nền kinh tế đã có sự phục hồi, một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước. Trên cơ sở đó, Công ty đã đạt được một số kết quả sau:

  • Đến 31/12/2023, nhân sự của SHBFinance là 2.181 người. Tổng tài sản đạt mức 8.320 tỷ đồng; Huy động vốn đạt 7.206 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2022; Dư nợ cho vay đạt 7.527 tỷ đồng, tăng 25%.
  • Về cơ bản các chỉ số quản trị chủ yếu của công ty đang thể hiện hiệu quả kinh doanh tốt và nằm trong phạm vi kiểm soát của kế hoạch kinh doanh.

4. Tình hình tài chính

Một số chỉ tiêu tài chính

Chỉ tiêu ĐVT 2023 2022 Tăng trưởng 2023/2022
1. Quy mô vốn
Tổng tài sản Tỷ đồng 630.501 542.428 16,2%
Vốn điều lệ Tỷ đồng 36.194 30.674 18,0%
Vốn tự có Tỷ đồng 70.268 62.722 12,0%
2. Kết quả hoạt động kinh doanh
Huy động từ TCKT và cá nhân Tỷ đồng 497.417 407.134 22,2%
Dư nợ cấp tín dụng (*) Tỷ đồng 455.718 398.819 16,9%
Tổng thu nhập Tỷ đồng 63.038 45.556 32,6%
Lợi nhuận trước thuế Tỷ đồng 9.239 9.689 -4,6%
3. An toàn
Tỷ lệ an toàn vốn % 12,20 12,22 Đảm bảo mức quy định của NHNN theo Basel II (≥ 8%)
Tỷ lệ nợ xấu % 2,70 2,49 Đảm bảo mức quy định của NHNN (≤ 3%)
Tỷ lệ nợ quá hạn % 4,36 4,02 Đảm bảo mức quy định của NHNN (≤ 5%)
4. Thanh khoản
Tỷ lệ dư nợ/huy động (LDR) % 77,58 77,83 Đảm bảo mức quy định của NHNN (≤ 85%)
Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn % 26,07 27,60 Đảm bảo mức quy định của NHNN (≤ 30%)
Tỷ lệ dự trữ thanh khoản % 19,66 15,79 Đảm bảo mức quy định của NHNN (≥ 10%)

(Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023)

(*) Dư nợ cấp tín dụng theo phương pháp tính tăng trưởng tín dụng do NHNN cấp.

5. Cơ cấu cổ đông, thay đổi vốn đầu tư của chủ sở hữu

5.1. Cổ phần

TỔNG SỐ CỔ PHIẾU

3.619.398.113

(cổ phiếu)

SỐ lượng CỔ PHIẾU đang lưu hành

3.618.901.927

(cổ phiếu)

SỐ lượng CỔ PHIẾU hạn chế chuyển nhượng

116.901.927

(cổ phiếu)

SỐ lượng CỔ PHIẾU Tự DO chuyển nhượng

3.501.964.320

(cổ phiếu)

5.2. Cơ cấu cổ đông
Loại Cổ Đông Tổng Số Cổ Đông Tỷ Lệ Sở Hữu Cổ Phần Phổ Thông Biểu Đồ
Theo tiêu chí Cổ đông lớn, cổ đông nhỏ
  • Cổ đông lớn: 9,998%
  • Cổ đông lớn: 90,0014%

(Cổ đông lớn là cổ đông chiếm trên 5% tỷ lệ sở hữu cổ phần của Ngân hàng. Cổ đông nhỏ là các cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần dưới 5%.)

Cổ đông lớn 1 9,9986%
Cổ đông nhỏ 88.266 90.0014%
Tổng cộng: 88.267 100%
Theo tiêu chí Cổ đông tổ chức và cổ đông cá nhân
  • Tổ chức: 25,0210%
  • Cá nhân: 74,9790%
Tổ chức 248 25,0210%
Cá nhân 88.019 74,9790%
Tổng cộng: 88.267 100%
Cổ đông trong nước và nước ngoài
  • Cổ đông trong nước: 95,0495%
  • Cổ đông nước ngoài: 4,9505%
Cổ đông trong nước 87.748 95,0495%
Cổ đông nước ngoài 519 4,9505%
Tổng cộng: 88.267 100%
Cổ đông nhà nước và cổ đông khác
  • Cổ đông nhà nước: 0,938%
  • Cổ đông khác: 99,062%
Cổ đông nhà nước 8 0,938%
Cổ đông khác 88.259 99,062%
Tổng cộng: 88.267 100%
5.3. Tình hình thay đổi vốn đầu tư của chủ sở hữu:

Năm 2023, SHB tăng vốn điều lệ từ 30.673.832.000.000 đồng lên 36.193.981.000.000 đồng thông qua trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu.

5.4. Giao dịch cổ phiếu quỹ:
  • Số lượng cổ phiếu quỹ của SHB tại 31/12/2023: 496.186 cổ phiếu
  • Trong năm 2023, SHB không phát sinh giao dịch cổ phiếu quỹ
5.5. Các chứng khoán khác:

SHB hiện đang thực hiện phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), dự kiến hoàn tất trong Quý 1/2024.

  • Số lượng cổ phiếu phát hành: 45.120.000 cổ phiếu
  • Thời gian hạn chế chuyển nhượng: 18 tháng
  • Vốn điều lệ dự kiến sau khi hoàn tất đợt phát hành: 36.645.181.130.000 đồng
5.6. Các giao dịch cổ phiếu của Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát: Không

6. Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội

(Chi tiết báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội, Quý vị xem tại mục Phát triển bền vững, trang 120)