BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN: SHB

Bước sang tuổi 31 với sự phát triển và đổi mới không ngừng, SHB tiếp tục tự hào là một trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn nhất việt nam, thực hiện tốt cùng lúc 2 nhiệm vụ lớn: hoạt động kinh doanh phát triển an toàn, hiệu quả, hướng tới chuẩn mực quốc tế đồng thời tích cực đi đầu triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ và Nhà nước.

1. Đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh

Trong 5 năm vừa qua, kiên định với nguyên lý kinh doanh “lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm”, tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu chính trong hoạt động kinh doanh của SHB luôn ổn định, cao hơn so với tốc độ tăng bình quân toàn ngành, đạt từ 15% - 25%. Đặc biệt năm 2023, dù chịu ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, SHB vẫn bám sát các mục tiêu kế hoạch.

Năm 2023, trong bối cảnh tài chính thắt chặt cùng với những biến động mạnh của thị trường tài chính thế giới, tạo ra những áp lực lớn lên nền kinh tế cũng như ngành tài chính ngân hàng Việt Nam, SHB vẫn tiếp tục đạt được những thành công quan trọng nhờ năng lực, quyết tâm của cả hệ thống trong và ngoài nước; sự hợp tác ủng hộ của các đối tác, khách hàng và niềm tin của các cổ đông. Các chỉ tiêu hoạt động đều tăng trưởng so với năm 2022 và bám sát kế hoạch đề ra:

  • Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động từ khách hàng của SHB luôn ổn định qua các năm và cao hơn so với bình quân thị trường. Đến cuối năm 2023, tăng trưởng huy động vốn của khách hàng đạt 22,2%.
  • Dư nợ cấp tín dụng tăng trưởng 16,9%, đảm bảo hạn mức tín dụng được cấp bởi NHNN.
  • Các hoạt động phi tín dụng tăng trưởng tốt đóng góp đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng. Trong đó, thu nhập thuần từ ngoại hối tăng 142,8%.
  • Các chỉ tiêu an toàn, thanh khoản luôn đáp ứng quy định của NHNN, minh bạch, góp phần ổn định thanh khoản chung của toàn hệ thống.

Mạng lưới và nhân sự tiếp tục được đầu tư, mở rộng đi cùng với việc chú trọng sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức mạng lưới, tổ chức chi nhánh và phòng giao dịch tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với khả năng quản trị điều hành bên cạnh việc tăng cường quy mô hoạt động, xây dựng được mạng lưới rộng lớn và kênh phân phối hiện đại.

Nhờ sự đoàn kết nội bộ nhất trí cao giữa Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc cùng toàn thể CBNV, sự chỉ đạo quyết liệt từ HĐQT nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, phấn đấu hoàn thành kế hoạch 2023 đã được ĐHĐCĐ giao, SHB đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc như:

  • Bám sát hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch về dư nợ, huy động, thu nhập ...; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, giữ vững vị thế là một trong những NHTMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam.
  • Kiểm soát tốt chi phí hoạt động, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động so với tổng thu nhập hoạt động (CIR) xuống mức 23,7%, và là ngân hàng kiểm soát tỷ lệ CIR tốt nhất toàn ngành.
  • Hoàn thành kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
  • Hợp tác thành công với nhiều định chế tài chính quốc tế lớn như IFC, ADB, WB… với giá trị hợp tác lên đến hàng tỷ USD; hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHBFinance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan (thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG, Nhật Bản), giúp SHB đầu tư củng cố nền tảng, thúc đẩy phát triển các phân khúc khách hàng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực phòng ngừa rủi ro.
  • Cùng đơn vị tư vấn chiến lược quốc tế BCG, và các chuyên gia về chuyển đổi hàng đầu, SHB xây dựng chiến lược chuyển đổi toàn diện giai đoạn 2024 - 2028
  • Hoạt động hiện đại hoá ngân hàng và chuyển đổi số toàn diện của SHB đã ghi nhận những thành công bước đầu.

2. Tình hình tài chính

2.1. Tình hình tài sản
Tốc độ tăng trưởng tài sản bình quân
  • Tổng tài sản (tỷ đồng)

Tổng tài sản năm 2023 tăng 16,3% lên mức 630.501 tỷ đồng, tiếp tục duy trì SHB ở nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng tài sản của SHB bình quân trong 5 năm qua đạt 14,4%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân toàn hệ thống (tăng trưởng toàn hệ thống khoảng 11,4%).

Song song với việc tăng trưởng quy mô, SHB luôn chú trọng nâng cao chất lượng tài sản với tỷ trọng các tài sản được cơ cấu ở mức hợp lý, đảm bảo sinh lời cao mà vẫn an toàn, thanh khoản tốt. Cơ cấu tài sản chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các hoạt động phi tín dụng nhằm giảm sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.

2.2. Hoạt động tín dụng
Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân

Phát huy vai trò chủ lực là một trong 5 Ngân hàng TMCP tư nhân có quy mô lớn nhất Việt Nam, SHB đã hưởng ứng tích cực chủ trương của Chính phủ và NHNN, tập trung tín dụng vào các ngành trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, hướng dòng vốn đến các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp khởi nghiệp,...

Đến 31/12/2023, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 438.464 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng trong 5 năm qua là 15,2%.

Cơ sở tài sản vững mạnh của SHB được hỗ trợ bởi danh mục cho vay đa dạng và vững mạnh. Danh mục cho vay của SHB bao gồm dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp đạt 358.053 tỷ đồng, chiếm 81,7% tổng dư nợ cho vay; cho vay khách hàng cá nhân với dư nợ đạt 80.411 tỷ đồng, chiếm 18,3% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Để đạt được kết quả như trên, SHB luôn kiên định với nguyên lý kinh doanh lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm. Ngân hàng luôn chủ động nghiên cứu khách hàng và thị trường, tìm hiểu nhu cầu đặc thù của từng phân khúc khách hàng để phát triển các chính sách và sản phẩm phù hợp và cạnh tranh trên thị trường.

SHB đã tích cực duy trì, triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng trọng điểm như: Cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân, Hè Thu của Hiệp hội lương thực Việt Nam; cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản, xuất khẩu; cho vay sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, phát triển ngành nghề, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; Bảo lãnh sản phẩm tài trợ nhà cung cấp; Bảo lãnh cho Chủ đầu tư về việc bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai; Bảo lãnh sản phẩm cấp tín dụng cho DN xây lắp;...

Đặc biệt, SHB tự hào là một trong những ngân hàng TMCP tư nhân tiên phong tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN. Đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Gói ưu đãi giảm lãi suất vay 2%/năm nhằm đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các ngành nghề ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số chương trình lớn điển hình là “Đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp lớn”, “Gói tín dụng ưu đãi Bluechip”, “Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp”, “Cho vay kinh doanh nông sản”, “Ưu đãi lãi suất – tiếp sức thành công”, “Cho vay bình ổn thị trường”, “Ưu đãi lãi vay, Đồng hành cùng doanh nghiệp”, …. với những ưu đãi nổi trội như:

  • Mức lãi suất phổ biến thấp hơn từ 1,5 – 2% so với mức lãi suất cho vay thông thường và mức tài trợ lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn.
  • Ban hành các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất của nông dân như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ (gốc, lãi) thay vì người vay phải đến trụ sở ngân hàng; cho vay các mô hình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao, giúp người dân và doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất kinh doanh, đồng thời giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí giao dịch và quản lý dòng tiền hoàn hảo,…
  • Chính sách trả nợ linh hoạt, phù hợp với dòng tiền nguồn thu của khách hàng; Cải cách các thủ tục cấp tín dụng theo hướng thuận tiện cho khách hàng tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng; rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục như xác nhận, công chứng,...
  • Xây dựng các chương trình “Khách hàng giới thiệu khách hàng” cho phép các khách hàng doanh nghiệp trong cùng một chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất kinh doanh được hưởng các gói chính sách tổng thể với lợi ích tối ưu và thủ tục đơn giản; xem xét cho vay các thành viên tham gia liên kết không có bảo đảm bằng tài sản nếu kiểm soát được dòng tiền của chuỗi liên kết,... Với các chương trình, chính sách, sản phẩm được may đo phù hợp với khách hàng như trên, danh mục cho vay của Ngân hàng được đa dạng hóa trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Trong đó: (i) 28,1% là cho lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe máy và xe có động cơ; (ii) 5,5% cho vay lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; (iii) 10,0% cho vay lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; (iv) 4,9% cho vay lĩnh vực điện, khí, hơi đốt và điều hòa không khí,... Ngoài ra, các khoản cho vay của Ngân hàng được đa dạng hóa về kỳ hạn với danh mục cho vay bao gồm 42% là cho vay ngắn hạn, 58% cho vay trung dài hạn.

SHB có danh mục cho vay doanh nghiệp lớn với quy mô lớn, từ đó có thể cho phép Ngân hàng mở rộng hơn nữa cơ sở khách hàng và đa dạng hóa danh mục cho vay đối với khách hàng SME và khách hàng cá nhân. Các doanh nghiệp lớn là khách hàng chính đem lại thu nhập phi lãi và Ngân hàng có được thu nhập phi lãi từ dịch vụ thu tiền mặt, thanh toán tiền mặt, quản lý tài khoản thanh toán, internet banking cho doanh nghiệp, dịch vụ thanh toán, thanh toán lương, dịch vụ ngoại hối và dịch vụ tài trợ thương mại. Mỗi khách hàng doanh nghiệp lớn là một doanh nghiệp đầu mối và thường có hàng trăm đơn vị cung cấp và đơn vị mua hàng SME trong chuỗi cung ứng của họ.

Đặc biệt, với từng khách hàng, SHB không những hỗ trợ nguồn tài chính mà còn đồng hành với khách hàng từ khâu xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh đến cung ứng các gói sản phẩm toàn diện gồm tiền gửi, thanh toán, tài trợ thương mại, ngân hàng điện tử, chuyển tiền... trên nền tảng công nghệ hiện đại, giúp khách hàng chủ động quản lý tài chính một cách hiệu quả nhất; Giới thiệu, kết nối doanh nghiệp với các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế giúp doanh nghiệp chủ động trong các phương án kinh doanh; Cung cấp thông tin thị trường trong nước/ quốc tế, thông tin thị trường tài chính Việt Nam và thế giới cùng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ nhà nước dành cho doanh nghiệp. Đó là lý do các sản phẩm, dịch vụ của SHB được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao và nhiều năm liền trao tặng các giải thưởng như: Ngân hàng SME tốt nhất, Ngân hàng tài trợ thương mại tốt nhất, Ngân hàng tài trợ dự án tốt nhất,...

Xem thêm

Với định hướng chiến lược trở thành Ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng hàng đầu, SHB đã liên tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đa dạng, cạnh tranh, phù hợp với thu nhập của nhiều đối tượng khách hàng khác. Các sản phẩm dịch vụ bán lẻ được thiết kế riêng cho từng khách hàng ví dụ như những sản phẩm bán lẻ được thiết kế đặc biệt cho khách hàng ưu tiên và các sản phẩm được thiết kế dựa trên yêu cầu khách hàng. Các sản phẩm cho vay được phát triển mạnh với sự hợp tác, liên kết của SHB với nhiều đối tác, luôn mang tới khách hàng những giá trị vượt trội.

SHB cũng đã khai thác trong hệ sinh thái các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp có hàng triệu nhân viên và khách hàng bán lẻ, bằng cách cung cấp các giải pháp tài trợ vốn cho các nhân viên nhận lương từ các doanh nghiệp lớn. Các giải pháp tài trợ vốn này bao gồm quản lý tài khoản lương, cho vay tiêu dùng, cho vay thế chấp mua nhà, cho vay mua xe, thẻ tín dụng, dịch vụ thanh toán, internet banking, digital banking và bancassurance.,...

Trong giai đoạn vừa qua, SHB triển khai chương trình “30 năm đồng hành – Tiếp bước tri ân” ưu đãi lãi suất vay hấp dẫn dành cho các khách hàng cá nhân. Các KHCN đang vay vốn tại SHB với mục đích sản xuất kinh doanh, mua nhà, mua ô tô, vay tiêu dùng… sẽ được giảm lãi suất vay lên tới 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Đặc biệt, với những khách hàng thân thiết, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng có thể được nhận thêm ưu đãi lên tới 2,5%/năm;... Đồng thời, để người dân có thể vay vốn tiêu dùng một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian hơn nữa, SHB đã triển khai tính năng Thanh toán khoản vay của SHBFinance trên ứng dụng điện thoại SHB Mobile. Theo đó, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán khoản vay của mình và người thân ngay trên điện thoại một cách tiện lợi, an toàn và bảo mật mà không cần tới quầy giao dịch.

2.3. Hoạt động huy động vốn

Nguồn vốn huy động luôn tăng trưởng tốt nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống khi hầu hết các Chi nhánh SHB đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về huy động vốn.

Đến 31/12/2023, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 22,2% so với năm 2022 lên mức 497.417 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ khách hàng bình quân 5 năm qua đạt 15,3%, cao hơn so với tăng trưởng bình quân toàn ngành (bình quân toàn hệ thống TCTD tăng 11,9%).

Tốc độ tăng trưởng huy động vốn trung bình năm đạt 15,3%

Không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng cao, giá trị tuyệt đối lớn, cơ cấu huy động vốn của SHB cũng cho thấy sự tăng trưởng hiệu quả, bền vững. Trong đó, vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm của dân cư luôn chiếm tỷ trọng cao với 60% trong tổng tiền gửi của khách hàng.

Bên cạnh đó, SHB hợp tác với các định chế tài chính nước ngoài để có nguồn vốn giá rẻ, thời hạn dài cung cấp cho khách hàng. Nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước (gồm Ngân hàng thế giới - WB, Ngân hàng phát triển Châu Á - ADB, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, Ngân hàng tái thiết Đức - KFW,...) mà SHB được lựa chọn là Ngân hàng cho vay lại và Ngân hàng phục vụ là 2,64 tỷ USD với 27 dự án được triển khai trên toàn hệ thống.

Để đạt được kết quả này, SHB không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm linh hoạt, hiện đại, phù hợp với mọi phân khúc khách hàng. Công tác giữ chân khách hàng cũ và mở rộng khách hàng mới được chú trọng. Trong đó, công tác tiếp thị và chăm sóc khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu, thể hiện qua phong cách phục vụ chuyên nghiệp, tư vấn hợp lý các sản phẩm nhằm tạo niềm tin cho khách hàng gửi tiền.

2.4. Hoạt động đầu tư

Danh mục đầu tư chứng khoán tiếp tục được SHB cơ cấu với tỷ trọng hợp lý nhằm sử dụng vốn hiệu quả. Tính đến 31/12/2023, số dư đầu tư chứng khoán nợ và chứng khoán vốn của của SHB đạt 40.060 tỷ đồng. Trong đó, số dư trái phiếu TCKT là 17.254 tỷ đồng.

SHB thực hiện mua/bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh. Hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp SHB đang đầu tư đều có mục đích kinh doanh trong ngắn hạn, góp phần tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng sạch, điện mặt trời, năm 2022, SHB tiếp tục đầu tư một số trái phiếu thuộc lĩnh vực năng lượng (nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời). Số dư trái phiếu thuộc lĩnh vực năng lượng chiếm gần 50%/ tổng số trái phiếu doanh nghiệp đầu tư. Việc SHB cấp vốn tín dụng cho các dự án năng lượng sẽ góp phần cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp thực hiện dự án, giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ các chương trình chính sách ưu đãi từ Chính Phủ. Các dự án sau khi hoàn thành và đi vào triển khai sẽ góp phần giảm áp lực về nguồn cung cho hệ thống, góp phần bảo vệ môi trường...

Số dư các khoản góp vốn đầu tư dài hạn đến 31/12/2023 là 3.702 tỷ đồng, trong đó góp vốn đầu tư vào công ty con và công ty liên kết là 3.544 tỷ đồng, góp vốn đầu tư dài hạn khác là 158 tỷ đồng.

2.5. Thu nhập, chi phí, lợi nhuận

Tổng thu nhập của SHB năm 2023 đạt 63.038 tỷ đồng, tăng 38,4% so với năm 2022. Tổng thu nhập hoạt động thuần đạt 21.328 tỷ đồng, tăng 10,3%. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 9,9%, đạt 19.285 tỷ đồng; thu thuần từ ngoại hối đạt 282 tỷ đồng, tăng 142,8%;...

Tổng chi phí năm 2023 là 53.799 tỷ đồng. Trong đó, chi phí hoạt động là 5.052 tỷ đồng, bám sát kế hoạch chi phí đã được ngân hàng đề ra. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 7.038 tỷ đồng.

Năm 2023 với diễn biễn phức tạp của kinh tế, chính trị toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước, SHB đã thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đồng thời rà soát lại toàn bộ chi phí hoạt động quản lý nhằm sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo mục tiêu tốc độ tăng trưởng chi phí luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng thu nhập thuần.

Trong khi thu nhập lãi vẫn chiếm phần lớn thu nhập của ngân hàng, thu nhập phi lãi (NII) của Ngân hàng luôn gia tăng hàng năm. Từ năm 2016 đến 2023, thu nhập thuần ngoài lãi của Ngân hàng tăng từ 791 tỷ đồng năm 2016 lên 2.043 tỷ đồng năm 2023. Ngân hàng có được thu nhập phi lãi từ dịch vụ thu tiền mặt, thanh toán tiền mặt, quản lý tài khoản thanh toán, internet banking, dịch vụ thanh toán, thanh toán lương, bảo hiểm, dịch vụ ngoại hối và dịch vụ tài trợ thương mại.

Lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 9.239 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 5 năm gần đây của SHB đạt 38,9%.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ các khách hàng đã đồng hành cùng SHB, trong thời gian qua SHB đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng mới và giảm lãi suất cho khách hàng hiện hữu. Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng lên tới hơn 2.800 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 5 năm đạt 38,9%

SHB được xếp trong top các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng phần lớn là do chi phí hoạt động hiệu quả, bao gồm chủ động tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi hoặc chi phí thấp, cải thiện chất lượng quản trị rủi ro để giảm thiểu chi phí liên quan đến rủi ro tín dụng và rủi ro hoạt động, thúc đẩy quá trình tự động hóa và số hóa, đưa công nghệ tiên tiến vào quản trị Ngân hàng để cải thiện năng lực quản trị, cũng như gia tăng đáng kể thu nhập phí dịch vụ từ doanh thu dịch vụ thanh toán và tiền mặt. Vì vậy, tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) của Ngân hàng đang có xu hướng giảm. Năm 2023, tỷ lệ CIR của SHB là 23,7% và là ngân hàng kiểm soát tỷ lệ CIR tốt nhất toàn ngành.

2.6. Tỷ suất sinh lời, lãi cơ bản trên cổ phiếu

Năm 2023, tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA) của SHB đạt 1,6%. Tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 19,9%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.555 đồng/cổ phiếu.

Tỷ suất sinh lời
  • ROA
  • ROE
Lãi cơ bản trên cổ phiếu EPS (đồng/cổ phiếu)
2.7. Chất lượng tài sản

Trong năm 2023, SHB đã tập trung vào xử lý các khoản nợ lớn dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như biến động của nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của các khách hàng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, SHB luôn tăng cường trích lập dự phòng nhằm nâng cao chất lượng tài sản. Đến cuối năm 2023, tổng quỹ dự phòng của SHB đạt 9.579 tỷ đồng.

2.8. An toàn vốn và thanh khoản

SHB luôn tuân thủ chặt chẽ mọi quy định của NHNN về các tỷ lệ an toàn hoạt động

Ngoài những chỉ số về hoạt động kinh doanh, các chỉ số về an toàn, thanh khoản, quản trị rủi ro của SHB đều đạt tốt hơn so với quy định của NHNN và các chuẩn mực quốc tế. Tỷ lệ an toàn vốn (Car) luôn luôn ổn định trên ngưỡng 8% theo quy định của Nhà nước tại Thông tư T41/2016/TT-NHNN; Tỷ lệ dự trữ thanh khoản năm 2023 đạt 19,66% (quy định của NHNN ≥ 10%); tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn 26,07% (quy định của NHNN ≤ 34%); tỷ lệ khả năng chi trả của các loại đồng tiền luôn đảm bảo trong ngưỡng quy định của NHNN.

Từ đầu năm 2023, SHB đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản, có sự đánh giá tuân thủ của một công ty tư vấn quốc tế nhằm bảo đảm phù hợp với những thông lệ tốt và yêu cầu của Ủy ban Basel theo Basel III. Đồng thời, SHB đang triển khai áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao IRB sẽ giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tài chính.

An toàn vốn giai đoạn 2019 - 2023

2019 2020 2021 2022 2023
12,01% 10,08% 11,86% 12,22% 12,20%

(*) Quy định của NHNN: Năm 2019, theo quy định TT36 (>=9%); từ 2020 theo Basel II (>=8%)

3. Những cải tiến về cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý

Năm 2023, SHB tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các khối/phòng/ban theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, có chiều sâu trên toàn hệ thống để phù hợp với chiến lược phát triển theo hướng Ngân hàng bán lẻ. Nhiều khối/phòng/ban nghiệp vụ được sáp nhập/chia tách, thành lập mới để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, hiệu quả sử dụng chi phí, tăng năng suất lao động, nâng cao công tác quản trị rủi ro, …. (như Khối Chuyển đổi, Khối CNTT,…).

Từ đầu năm 2023, SHB đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm phù hợp với những thông lệ tốt và yêu cầu của Uỷ ban Basel theo Basel III; áp dụng các chỉ số LCR, NSFR để theo dõi/giám sát nội bộ. Đồng thời, SHB đang triển khai áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao IRB, giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tài chính.

Bên cạnh đó, SHB tiếp tục hoàn thiện và triển khai nhiều dự án công nghệ trọng điểm nhằm hỗ trợ cho công tác quản trị ngân hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ cũng như đảm bảo công tác quản lý rủi ro. Đặc biệt, trong năm, SHB đã hoàn thiện chiến lược Ngân hàng số mảng bán lẻ; Các dự án nền tảng về chuyển đổi số cho Khách hàng cá nhân (Dự án OMNI Channel, Dự án CRM – Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng); Các dự án bổ trợ cho hoạt động chuyển đổi số tại SHB (Dự án LOS – Xây dựng quy trình cho vay theo hành trình Khách hàng, Dự án tư vấn kiến trúc Microservices cho toàn bộ hệ thống CNTT của SHB, Dự án nâng cấp trục tích hợp ESB, Dự án triển khai nền tảng Hybrid Cloud),...

4. Kế hoạch phát triển trong tương lai (2024-2028)

Trên cơ sở kết quả kinh doanh năm 2023, nghiên cứu dự báo môi trường kinh doanh, SHB tiếp tục xác định triển khai 4 trụ cột và các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm 2024 của toàn hệ thống.

Xây dựng kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lớn, nhạy bén nắm bắt các cơ hội kinh doanh, quyết tâm thực hiện mục tiêu với các sáng kiến và đề xuất tối ưu nguồn lực hỗ trợ.

4 TRụ cột
  • 1

    Cải cách cơ chế, chính sách, quy định, quy trình

  • 2

    Con người là chủ thể

  • 3

    Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm

  • 4

    Hiện đại hóa công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Các chỉ tiêu tài chính cơ bản dự kiến năm 2024

Đơn vị: Tỷ đồng

STT Chỉ tiêu Kế hoạch 2024 Tăng/giảm so với 2023 Tăng trưởng so với 2023
1 Tổng tài sản 701.000 42.517 11,2%
2 Vốn điều lệ 40.658 4.464 16,2%
3 Tổng dư nợ cấp tín dụng 518.555 62.837 14,0%
4 Lợi nhuận trước thuế 11.286 2.047 22,2%

(*) Tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh theo chấp thuận của NHNN

5. Giải trình của BĐH đối với ý kiến kiểm toán

Công ty Kiểm toán Deloitte không có ý kiến không chấp thuận đối với Báo cáo tài chính SHB

6. Báo cáo đánh giá liên quan trách nhiệm về môi trường và xã hội

Xuất phát từ giá trị “Tâm” làm cốt lõi, Ban Lãnh đạo SHB cùng CBNV các cấp dành nhiều thiện tâm xây dựng một xã hội Việt Nam phát triển bền vững.

SHB không thực hiện đánh giá các thông số về môi trường do các tòa nhà, điểm giao dịch của SHB hiện nay chủ yếu đi thuê.

Là đơn vị cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hoạt động kinh doanh của SHB không sản sinh nhiều lượng khí thải nhà kính cũng như tác động đáng kể tới môi trường. Các nguồn phát thải khí nhà kính nếu có chủ yếu đến trực tiếp từ hoạt động sử dụng các thiết bị công cụ lao động, và gián tiếp đến từ hoạt động thắp sáng trong các tòa nhà, sửa chữa, bảo trì thiết bị, hệ thống phát điện, điều hòa cũng như phương tiện lưu thông của nhân viên và khách hàng xung quanh các điểm giao dịch.

Là một ngân hàng TMCP, trách nhiệm đối với môi trường còn được SHB nỗ lực thực hiện thông qua hướng dòng vốn cho các lĩnh vực phát triển bền vững của đất nước bằng nhiều chương trình tín dụng xanh.

Hoạt động đào tạo, tuyên truyền được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về bảo vệ môi trường nơi làm việc, cùng với kiểm soát hợp lý chi phí nhằm nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, nguyên vật liệu, năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đối với người lao động, SHB luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về chế độ việc làm, tiền lương, bảo hiểm và hoàn thiện, bổ sung các chế độ phúc lợi cạnh tranh mỗi ngày, xây dựng môi trường lao động nhân văn, truyền cảm hứng để tăng năng suất làm việc và phát huy tối đa năng lực của bản thân.

Không ngừng cập nhật, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động cũng như phổ biến các quy định trong quan hệ lao động.

Công tác công đoàn, Đảng được đẩy mạnh, giải quyết kịp thời các quyền và nghĩa vụ cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.

Trong những năm qua, SHB được biết đến là một trong những ngân hàng thương mại luôn tích cực thực hiện trách nhiệm cộng đồng với hàng loạt các chương trình an sinh xã hội thiết thực và bền bỉ.

Xuất phát từ giá trị “Tâm” làm cốt lõi, Ban Lãnh đạo SHB cùng CBNV các cấp dành nhiều thiện tâm xây dựng một xã hội Việt Nam phát triển bền vững.

Sứ mệnh của SHB trong các hoạt động an sinh xã hội không chỉ là hỗ trợ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn mà đó còn góp phần vào xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam trên hành trình “Từ Tâm vươn Tầm”.

Hiệu quả đóng góp cho cộng đồng và xã hội của SHB đã được công nhận bởi các giải thưởng quan trọng cả trong nước và quốc tế như: Giải thưởng “Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng 2023” do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bình chọn; “Ngân hàng có trách nhiệm xã hội tốt nhất Việt Nam” lần thứ 2 do Tạp chí hàng đầu châu Á về Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng - Asia Money vinh danh; “Ngân hàng có sáng kiến quản lý đại dịch COVID tốt nhất Việt Nam” do tạp chí The Asian Banking and Finance (ABF) vinh danh; “Ngân hàng có tác động ESG tốt nhất 2023” – Finance Asia vinh danh.

Chi tiết báo cáo đánh giá liên quan tới trách nhiệm môi trường và xã hội, Quý vị xem tại mục Phát triển bền vững, trang 120.